Những chuyến đi lại như con thoi suốt 15 năm phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã đưa Tân Trần vượt qua mọi ranh giới để cuối cùng mới về đến quê nhà thực hiện ước mơ.
|
Trung tuần tháng 11, tập đoàn cung cấp giải pháp hạ tầng và cấu trúc mạng viễn thông qua công nghệ thế hệ mới của Mỹ, Metaswitch Networks, đã tổ chức họp báo ở TP.HCM tuyên bố mở rộng thương hiệu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn ông Jeff Lattomus nhận định: “Việt Nam là thị trường tiềm năng vì tốc độ phát triển của ngành viễn thông thuộc vào nhóm nhanh nhất ở châu Á”. Đặc biệt, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của Metaswitch Networks tại thị trường này là một Việt kiều Mỹ, anh Tân Trần.
Sống - làm việc “bất chấp” biên giới
Trước khi đầu quân về Metaswitch, Tân Trần đã có hơn 22 năm phụ trách kỹ thuật, kinh doanh và marketing cho các tập đoàn công nghệ thông tin viễn thông lớn của Mỹ, Pháp như Western Digital, SMC Networks, IBM, Alcatel-Lucent. Hết 15 năm trong khoảng thời gian đó anh phụ trách công việc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lần về Việt Nam này đối với Tân cũng là bước đầu anh thực hiện giấc mơ, mang kinh nghiệm có được về trải nghiệm tại quê nhà.
Tân kể ngày còn bé, anh mơ ước lớn lên trở thành phi công, đơn giản chỉ là để khám phá bầu trời rộng lớn và bí ẩn thế nào. Hơn nữa, theo cậu bé Tân ngày ấy, từ trên cao có thể ngắm vạn vật ở dưới đất thỏa thích. Tuy nhiên, khi học hết bậc phổ thông trung học ở Mỹ năm 1982, mẹ của Tân, người mà anh luôn nói đã có nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời mình, quyết định cho con trai học ngành kỹ sư điện tử. Bà chỉ lập luận đơn giản là để ra trường dễ kiếm việc làm.
Vào Đại học California (CSUF), không chỉ học mỗi một ngành mẹ đã chọn, Tân còn học thêm ngành quản trị kinh doanh. Hai tấm bằng cử nhân cùng nhận được năm 1988 chính là nền tảng để anh phát triển nghề sau này.
Ra trường, Tân tham gia vào đội ngũ kỹ sư của Western Digital. Anh kể vào cuối thập niên 1980, IBM là tập đoàn điện tử tiên phong trên thế giới nghiên cứu sản xuất ra máy tính xách tay với tên gọi ThinkPad. Và đội ngũ kỹ sư của Western Digital đã được IBM chọn để thiết kế sản phẩm này. Khi IBM tung chiếc máy tính xách tay đầu tiên ra thị trường năm 1992 cũng là lúc Tân rời Western Digital để về làm cho SMC Networks, phụ trách mảng kinh doanh các giải pháp về hệ thống hạ tầng chuỗi khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng vào thời gian đó, IBM có kế hoạch chuyển cho các khách hàng ngân hàng sử dụng công nghệ mới và hiện đại IP (Internet Protocol) trong hệ thống quản lý, thay cho công nghệ SNA (Systems Network Architecture), đồng thời sẽ áp dụng IP vào lĩnh vực viễn thông. Và Tân Trần là một trong những người được IBM chọn mặt gởi vàng để phát triển mở rộng công nghệ mới tại thị trường châu Á.
Năm 1995, Tân Trần về làm việc cho IBM, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nam Mỹ, cung cấp giải pháp công nghệ mới cho 2 lĩnh vực ngân hàng và viễn thông. Anh cho biết tất cả các ngân hàng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương lúc đó đều là khách hàng của IBM. Do đó, anh phải đi lại giữa các nước như con thoi, có lúc trong 1 ngày đi đến 3, 4 quốc gia. Chẳng hạn, một lần đang ở Singapore anh phải qua Malaysia làm việc ngay trong buổi sáng, chiều đến Thái Lan gặp đối tác, tối ngược lên Hồng Kông dùng bữa theo lịch hẹn với khách hàng rồi sáng hôm sau sang Nhật làm việc và quay về Mỹ vào tối hôm đó.
Vậy nên Tân mới nói đùa rằng có khi anh cảm thấy mình giống như một công dân toàn cầu và ranh giới của các quốc tịch, quốc gia nơi anh sinh sống, làm việc hầu như không còn nữa.
Một bước về Việt Nam
Sau những chuyến đi miệt mài “bất chấp” biên giới, năm 2004, Tân quyết định nghỉ làm cho các tập đoàn lớn và thành lập công ty riêng có tên VoiceStep Telecom, chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông công nghệ mới VoIP (tức cung cấp các đầu số điện thoại) cho khách hàng doanh nghiệp và nhà mạng nhỏ. Hiện nay, Tân khẳng định công ty của anh vẫn hoạt động tốt với hơn 50.000 đầu số hoạt động thường xuyên, phục vụ cho đa số cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Theo Tân Trần, chiến lược đầu tư 8,5 tỉ USD vào ngành công nghệ thông tin viễn thông giai đoạn 2010- 2020 của Chính phủ Việt Nam và định hướng tư nhân hóa trong ngành này đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về triển vọng phát triển của VoIP, Tân cho biết công nghệ này có các ứng dụng phong phú giúp mang lại doanh thu, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời nâng cao trải nghiệm của người dùng thông qua các giao diện đa dạng. Hơn nữa, tiện ích của VoIP là nhanh chóng tương thích với các dịch vụ phát triển sau, thậm chí, anh cho rằng nó sẽ tương thích cả với các dịch vụ chưa xuất hiện tại thời điểm này.
Mất đến hơn 30 năm mới trở về quê nhà và đang từng bước khẳng định mình tại đây nên Tân đặt ra khá nhiều tham vọng với Metaswitch. Trước mắt, anh sẽ tìm kiếm đối tác là doanh nghiệp đã có kinh nghiệm làm việc với các công ty viễn thông lớn của Việt Nam, sau đó thúc đẩy họ đầu tư vào.
“Áp lực đối với viễn thông Việt Nam lúc này không xuất phát từ việc chuyển đổi công nghệ mới mà là vấn đề chọn nhà cung cấp công nghệ. Hiện tại, các nhà cung cấp công nghệ viễn thông từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel và các nước châu Âu đều có mặt tại Việt Nam”, Tân nhận định. Đây là một thách thức cho các công ty lớn khác khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ sự lạc quan bởi dự báo 6,2 tỉ USD giá trị của thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam năm 2010 sẽ tăng lên thành 29,5 tỉ USD vào năm 2013. “Việt Nam là quốc gia đang phát triển, viễn thông lại đang tăng trưởng nóng và như vậy hạ tầng cơ sở còn rất nhiều việc để làm. Khi quyết định về nước, tôi tin mình sẽ gắn bó lâu dài ở đây!”, Tân Trần cho biết.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét