- Với mong muốn giúp con trở thành "công dân toàn cầu", nhiều gia đình bắt đầu cho con học tiếng Anh ngay từ khi còn chưa "sõi" tiếng Việt.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cho trẻ học một ngoại ngữ sớm là tốt, nhưng không phải trẻ nào cũng sẵn sàng cho việc tiếp nhận một ngôn ngữ thứ hai.
Học với ai, học như thế nào?
Cháu Nguyễn Quân Chính (ngõ 577 Thụy Khuê, Hà Nội) chưa đầy 4 tuổi, nói tiếng Việt nhiều từ vẫn còn ngọng nghịu, nhưng đã rất hào hứng khi được bố mẹ cho đi học tiếng Anh. Cháu đặc biệt thích chơi các trò chơi, hát các bài hát tiếng Anh và học những từ mới về các con vật, đồ vật xung quanh.
Khác với Quân Chính, cháu Thủy Tiên (455 Nguyễn Khang, Cầu Giấy) lại rất nhút nhát trong những giờ học tiếng Anh ở trường mẫu giáo. Chị Trịnh Thu Phương, mẹ cháu Thủy Tiên cho biết, mặc dù bố mẹ khuyến khích con nói tiếng Anh và luôn hỏi con hôm nay học những từ gì để dạy con tập nói lại, nhưng cháu thường lảng tránh, không muốn trả lời bố mẹ. Chị Phương băn khoăn liệu có phải mình cho con học tiếng Anh từ mẫu giáo là sớm quá, nhưng chị lại thấy mâu thuẫn khi cô giáo cho biết nhiều bạn khác vẫn học rất tốt...
Một cô giáo tiếng Anh của trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm cho rằng, trẻ có thể học tiếng Anh từ mẫu giáo, cụ thể là khoảng 4 - 5 tuổi, khi trẻ có khả năng nhận thức về ngôn ngữ cũng như khả năng bắt chước tốt. Nếu để lớn hơn mới bắt đầu học, lưỡi sẽ "cứng" và khó bắt chước những âm khó trong tiếng Anh. Tuy nhiên, việc học với ai và học như thế nào là điều vô cùng quan trọng. Trẻ mới học nếu tiếp xúc với một phương pháp không phù hợp sẽ dễ chán, và việc học sẽ không hiệu quả; Hoặc nếu học với những thầy cô phát âm không chuẩn trẻ sẽ nói không chuẩn và cách phát âm sai đó về sau rất khó sửa.
Con đã sẵn sàng chưa?
Ông Dean Souter, giám đốc đào tạo, Trung tâm Anh ngữ Cleverlearn Việt Nam cho rằng, không có một quy tắc nào định ra lứa tuổi phù hợp nhất để trẻ nên bắt đầu học tiếng Anh, mà việc đó phụ thuộc vào chính mỗi đứa trẻ và hoàn cảnh học mà chúng sẽ theo. "Đối với một số trẻ, học tiếng Anh giống như con vịt được thả xuống nước, trong khi nhiều trẻ khác cùng lứa tuổi lại vẫn có thể gặp trở ngại. Theo tôi thì dù ở độ tuổi nào cũng không bao giờ là sớm để cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh, có thể chỉ là những bài hát, những bộ phim hoạt hình hay video học tiếng Anh".
Ông Dean Souter nhấn mạnh đến việc cha mẹ hãy chú ý đến tính cách của con bởi đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn xác định được khi nào trẻ nên bắt đầu làm quen với ngôn ngữ thứ hai. Nếu con bạn mạnh dạn trong giao tiếp, tự tin và có khả năng tập trung thì chẳng phải chần chừ gì mà không cho bé theo một khóa học tiếng Anh cho trẻ em. Nhưng nếu con bạn gặp khó khăn trong việc tập trung vào một việc gì đó trong tối thiểu là 30 giây và không thích làm theo những gì được yêu cầu, thì có lẽ bạn nên chờ thêm một thời gian nữa. Đối với những trẻ đó thì việc cần làm trước mắt là giúp trẻ học cách tập trung và kỹ năng ứng xử. Nếu con bạn nhút nhát và hơi một chút khép mình, bạn hãy cân nhắc việc cho con tham gia một chương trình tiếng Anh mà hoạt động chủ đạo là vui chơi, múa hát, và có sự tương tác với người bản ngữ. Hứng thú trong việc học tiếng Anh sẽ giúp con bạn xây dựng sự tự tin, cũng như học cách giao tiếp tương tác với mọi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét